Su su Tam Đảo nổi tiếng đặc sản Vĩnh Phúc
Nói chung, khách lên thăm quan hay nghỉ mát Tam Đảo, ai cũng đòi hỏi thưởng thức bằng được món đặc sản su su
Su su thương hiệu Tam Đảo là một giống quý của núi rừng Vĩnh Phúc ban tặng cho con người. Nó là một sản phẩm độc đáo, có giá trị nhiều mặt, xứng đáng sánh vai cùng các sơn hào hải vị trong làng văn hóa ẩm thực của cả nước.
Su su là loài cây họ bầu, bí; lá to bằng hai bàn tay người lớn ghép lại, trông gần giống lá mướp nhưng su su lại có mầu xanh nhạt hơn; dây có tua cuốn bám chặt vào giàn; hoa nhỏ đơn tính màu vàng kem; mỗi cuống lá có vài chùm hoa đực và một hoa cái hình quả chùy nhỏ; quả lớn bằng nắm tay hình trái lê, da sần sùi có gai mềm, chứa một hạt lớn bọc trong vỏ mỏng. Quả và ngọn dùng làm thức ăn.
Su su gốc Châu Mỹ nhiệt đới, du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XX, được trồng ở tỉnh Vĩnh Phúc gần trăm năm nay. Tuy là thực vật nhiệt đới nhưng su su rất thích hợp với khí hậu á nhiệt đới và thổ nhưỡng thị trấn Tam Đảo, năng suất, chất lượng cao, không vùng nào trong tỉnh có thể sánh kịp.
Nếu như ở nơi khác, như phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên chẳng hạn, cây su su mỗi năm chỉ sống chừng mười tháng (từ tháng 8 – 9 năm trước, bắt đầu đặt quả giống xuống đất đến tháng 4 – 5 năm sau, khi cây chết nắng)thì trên Tam Đảo su su sống lâu gấp hai, ba lần. Đầu năm thứ nhất bắt đầu trồng, tháng 3 – 4 đã cắt được ngọn; từ tháng 5 đến tháng 12 thu hái rau, quả liên tục; cuối năm dây mẹ già cỗi, cắt bỏ tận gốc rồi bón tươi vào; đầu năm sau, gốc tự nảy ngọn mới… vòng su su cứ thế tiếp diễn hai, ba năm liền; bao giờ củ già quá, năng suất giảm hẳn mới bỏ để trồng gốc mới.
Cách đây vài chục năm, su su đối với nhân dân Tam Đảo cũng bình thường như các loài rau khác. Bà con trồng mỗi nhà một giàn để lấy quả ăn hàng ngày và bán quả giống cho vùng xuôi. Từ ngày “đổi mới”, du khách lên nghỉ mát ở Tam Đảo mỗi ngày mỗi đông; lượng quả tiêu thụ tăng mạnh. Khi dân Tam Đảo “sáng tạo” ra món “đặc sản ngọn su su” mê hồn thực khách sành điều từ bao giờ không biết thì cây su su cao giá hẳn lên. Dân Tam Đảo lại sáng tạo luôn một kiểu trồng mới. Ai nhiều đất thì trồng hai loại giàn; một loại vừa lấy quả vừa lấy ngọn, một loại chuyên lấy ngọn. Ai ít đất cũng tranh thủ các miếng đất đầu thừa đuôi thẹo gần nhà trồng lấy ngọn. Giàn để lấy cả quả lẫn ngọn có thể rộng trăm mét vuông và cao hơn đầu người chui dưới gầm hái quả. Giàn lấy ngọn bề ngang dưới 2 mét, thấp độ 1 mét, chạy dài theo thế đất; người thu hoạch đi vòng quanh giàn, đứng hai bên với vào giữa, cắt vừa tiện vừa không bị dập ngọn. Loại giàn rộng có xu thế bị giảm, nhường diện tích đất phát triển loại giàn hẹp để tăng nhanh sản lượng ngọn su su, thỏa mãn kịp thời nhu cầu thị trường “rau sạch” các nơi.
Kỹ thuật chăm bón cũng khá khoa học. Trước kia, người ta thường tưới phân tươi; bây giờ, nhà nào cũng dùng phân chuồng, phân vi sinh, NPK, khô dầu ủ mục bón gốc và tưới nước lã. Đặc biệt, không phải phun thuốc trừ sâu. Vừa cải tạo đất, vừa “rau sạch 100%”. Lại được một lợi thế là trong những ngày nắng gắt nhất, nhiệt độ môi trường vẫn thấp hơn nhiệt độ đồng bằng mươi độ; đôi khi mây mù còn sà xuống thung lũng đưa hơi ẩm và khí núi làm mát cây cối, hoa màu. Cho nên ngọn su su Tam Đảo dài, mập, xanh tươi mơn mởn quanh năm. Quả su su Tam Đảo có già đến mức hạt bên trong đã nảy mầm và ra rễ thì thịt quả vẫn mịn, mềm và không có xơ như ở dưới xuôi.
Từ những tinh chất của núi rừng, các “bàn tay vàng” Tam Đảo đã chế biến ra nhiều món ăn hương vị ngon lành, thú vị.
Ngọn su su luộc:
Ngắt từng đoạn rau, từ búp, ngọn ra mỗi đoạn dài độ ba bốn đốt ngón tay; tám đoạn như thế ( chừng 40cm) vẫn chưa phải tước xơ; có thể cấu thêm một số lá non, nhưng nên vò như lá bí ngô; tất cả rửa sạch, vớt ra rá. Nước đun bắt đầu sôi, thả ngọn su su vào luộc như luộc rau muống chín tới hay chín nhừ thì vớt ra (tùy sở thích của khách). Thông thường, ngọn su su luộc chấm nước ma – gi pha với tỏi tươi đập dập là hợp khẩu vị nhất.
Ngọn su su xào:
Có thể xào với thịt bò hay lòng gà, xào thịt bò thì phi tỏi cho thơm, đổ thịt vào xào chín độ 40% hãy đổ rau vào xào tiếp; xào với lòng gà thì chừng lòng chính độ 60% mới tra rau, nêm nước mắm ngon hay muối trắng tinh chế, sàm tiếp đến khi rau chín. Nước ngấm vào rau làm cho món ăn thêm ngon ngọt đậm đà, không cần mì chính gì nữa. Nhưng nếu khách gọi thêm nước chấm thì vẫn nên dùng ma – gi pha tỏi.
Quả su su luộc:
Gọt hết vỏ, gọt đến đâu thả vào nước đến đấy cho tan bớt nhựa. Bổ mỗi quả làm tám miếng rồi luộc trong nước có pha chút muối trắng tinh chế. Su su chín tới, ăn còn sồn sột hoặc chín mềm tùy thực khách. Khi ăn, ta nên cầm tay và chấm muối lạc hoặc muối vừng. Xin đừng bỏ hạt su su luộc, ăn nó rất bùi.
Quả su su xào:
Su su gọt vỏ, rửa sạch, thái mỏng hoặc thái chỉ. Có thể xào với trứng gà, thịt bò hoặc lòng gà đều ngon, mỗi món một hương vị.
Ngoài ra, quả già hầm xương lợn bở và ngọt, các cụ già rất thích ăn.
Nói chung, khách lên thăm quan hay nghỉ mát Tam Đảo, ai cũng đòi hỏi thưởng thức bằng được món đặc sản su su. Và “miếng ngon nhớ đời”, nhiều bà, nhiều chị khi dời thị trấn Tam Đảo thường mua dăm bảy mớ rau, vài chục quả su su về làm quà cho bạn bè, hàng xóm.
Leave a Reply