Chè Sơn Qui ngọt ngào mang hương vị Tiền Giang
Có dịp về Gò Công, ngang qua Sơn Qui, nếu tiện đường nghỉ chân, mời bạn ghé chơi. Chắc không đến nỗi thất vọng!
Theo Quốc lộ 50, từ TP.HCM về Gò Công (Tiền Giang), đến đoạn Tân Trung – Lăng Hoàng Gia, du khách sẽ bắt gặp nhiều quán chè nằm san sát hai bên đường. Đó là “quê hương” của món ăn đặc sản nức tiếng vùng này: chè Sơn Qui.
Sơn Qui là địa danh do vua Tự Đức đặt, thay cho tên cũ là Gò Rùa (giồng đất cát có hình con rùa), cách nội ô Thị xã Gò Công khoảng 4 cây số. Đây từng là lãnh địa của gia tộc Từ Dũ thái hậu – vợ vua Thiệu Trị và là mẹ vua Tự Đức – nơi có làng nghề đóng tủ thờ đã nổi danh và món mắm tôm chà (ngày nay gọi là mắm tôm Huế) ngon tuyệt mà hoàng thái hậu thường cho thuyền buồm mang ra Huế cho vua ngự thiện. Và không hiểu có mối duyên tơ nào khác, vùng đất tới giờ vẫn còn là vùng nông thôn hẻo lánh của nơi đây lại có món chè gia truyền gắn liền với địa danh Sơn Qui – từng là đại bản doanh của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.
Theo ông Tư Lình (ảnh), một trong những chủ quán nổi tiếng, sống bằng nghề này từ hơn 40 năm nay: “Chè Sơn Qui làm rất công phu. Để tạo hương vị riêng, mỗi gia đình có cách thức chế biến hơi khác nhau. Thông thường muốn có chè bán cữ sáng, người ta phải “cụ bị” (thức dậy sớm) từ 3 giờ khuya. Dù vậy, mỗi đợt thành phẩm không quá hai chục ly”. Nhiều người còn cho biết thêm, bán chè này không được “nôn ăn” hay nấu chảo đụng như những loại khác. Vậy mà không cần tiếp thị ồn ào hay tiếp viên xinh đẹp mời chào, vào những tháng từ giáp Tết cho tới ra Giêng, có gia đình tiêu thụ tới ba trăm ly chè trong một ngày.
Bí quyết gắn liền với nồi cơm nên ít ai chỉ vẽ tỉ mỉ. Song qua tìm hiểu và quan sát thực tế, được biết: chè Sơn Qui được pha chế bằng một số loại vật liệu cơ bản như đường cát trắng, đậu xanh quết nhuyễn cùng đậu thạch để nguyên hạt. Đậu thạch trái to như đậu ngự dành cho vua ăn nhưng nó trồng bằng đất cát pha của vùng này – được “rim” theo kiểu nào đó. Ngoài ra còn có thành tố quan trọng khác là đậu phộng rang “áo” bột củ năn, trong như hột lựu… Mỗi thứ đều để riêng. Khi dùng, người ta cho từng loại với những tỉ lệ nhất định, xong rưới lên một ít nước cốt dừa. Ăn nóng hay lạnh tùy theo sở thích. Khi dùng, nhai chậm rãi, thỉnh thoảng bắt gặp những “hạt lựu” và đậu tạo cảm giác lạ miệng.
Chè Sơn Qui không đơn thuần là món ăn chơi của các nam thanh nữ tú đi vãn cảnh, mà với nhiều thành phần bổ dưỡng, nó còn được người địa phương dùng làm điểm tâm. Thậm chí những ai đi lỡ đường, lỡ bữa, xa chợ, ăn chè Sơn Qui cũng… vững bụng.
Có dịp về Gò Công, ngang qua Sơn Qui, nếu tiện đường nghỉ chân, mời bạn ghé chơi. Chắc không đến nỗi thất vọng! Có điều xin đừng thắc mắc khi thấy có thực khách “khề khà” một lúc… hai, ba ly. Bởi chè Sơn Qui tuy ngon miệng nhưng giá khá “mềm”, chừng 1.000 đồng/ly. Chính vì vậy mà món ăn dân dã này chưa bị thất truyền.
Leave a Reply