Thưởng thức chả gà Tiểu Quan đặc sản Hưng Yên
Chả gà Tiểu Quan phải được nướng bằng than hoa (than củi) và nếu có thêm vài quả thông khô vào thì càng tăng thêm độ thơm. Cũng theo ông Tuân, dùng than của những cành hay
Nhắc đến Phố Hiến xưa (Hưng Yên nay) người ta thường nhắc đến những loại đặc sản: nhãn lồng, tương Bần, bún thang… nhưng thật thiếu sót khi không nhắc đến một món ăn dân dã mà đậm đà hương quê – chả gà Tiểu Quan.
Tiểu Quan là một thôn thuần nông của xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ngay cả các vị cao niên trong làng cũng không ai còn nhớ nguồn gốc, sự ra đời của món chả gà có từ bao giờ mà chỉ biết từ khi lớn lên đã thấy những người trong làng chế biến và thưởng thức món ăn này vào những dịp lễ hay Tết.
Ông Nguyễn Đức Tuân, một cựu chiến binh ở thôn, năm nay đã ngoài 60 tuổi, chia sẻ: “Để có được món chả gà Tiểu Quan ngon thì phải rất kỹ lưỡng trong việc chọn gà. Gà được chọn phải là gà trống tơ nặng khoảng 1,2-1,5 kg, chưa thiến, chưa đạp mái lần nào”. Nhiều người còn cho rằng, món chả gà Tiểu Quan sẽ ngon hơn khi được chế biến từ những chú gà trống tơ Đông Cảo hay loại gà ri vì thịt gà sẽ mềm và thơm, ngon hơn các giống gà khác. Gà sau khi được làm sạch, chọn chỗ nạc nhất (thường là phẩn lườn của gà), rút hết gân, xương, sau đó thái nhỏ kiểu con chì, rồi cho vào cối giã như cách giã thịt lợn để làm món giò lụa truyền thống. Khi thịt gà đã tương đối nhuyễn, lại cho thêm lòng đỏ trứng gà (tuỳ vào lượng thịt nhiều hay ít) rồi thêm nước mắm ngon, gia vị, hạt tiêu, gừng và một chút mỡ lợn thái hình hạt lựu tiếp tục giã cho đều, nhuyễn.
Theo những người có kinh nghiệm thì món chả gà truyền thống, thịt phải được giã bằng cối đá. Nhìn cách giã ai cũng tưởng rất đơn giản nhưng nếu không phải là một người khéo léo, tỉ mẩn “có nghề” thì khó có thể làm tròn được công việc này. Từng nhịp chày đều đặn được đưa lên đưa xuống, nhát nào chắc nịch nhát đấy nhưng thịt gà không hề bị bắn ra ngoài cối chút nào. Trong lúc một người đang giã thịt gà, thì một người khác tìm một chiếc mo cau mới rụng, cắt ra thành các miếng nhỏ. Phần thịt sau khi được giã nhuyễn sẽ được phết lên các miếng mo cau nhỏ này mang đi nướng. Chú ý khi phết không được quá dày, quá mỏng để khi nướng thịt có thể chín đều.
Chả gà Tiểu Quan phải được nướng bằng than hoa (than củi) và nếu có thêm vài quả thông khô vào thì càng tăng thêm độ thơm. Cũng theo ông Tuân, dùng than của những cành hay gốc nhãn khô (một loại cây đặc sản của mảnh đất Hưng Yên) thì có mùi vị thơm ngon nhất.. Có lẽ chính vì lý do này mà tuy nhiều vùng cũng có món chả gà tương tự nhưng chả gà Tiểu Quan vẫn mang một mùi vị ngon riêng của vùng quê xứ nhãn lồng nổi tiếng. Chả sau khi nướng có thể để nguyên vậy thưởng thức hoặc có thể sốt chả với cà chua, hành hoa đều thơm ngon. Dưới cái se se lạnh của thời tiết đầu đông hay khi ngoài trời những hạt mưa tí tách rơi mấy anh em ngồi bên đĩa chả gà nướng thơm phức, bên cạnh là chai rượu Lạc Đạo hay Trương Xá thì không còn gì bằng. Gắp miếng chả gà giòn thơm, nhấp thêm chút rượu cay thực khách sẽ không quên món ăn dân dã, chan chứa tình hương quê này.
Leave a Reply