Vị ngon ngọt với nấu mẳn Tiền Giang
Nấu mẳn không chỉ thích hợp với mùa nóng bức, với người lao động cật lực, mà nó cũng rất ăn ý với tiết trời trở gió heo may và những chủ nhân đang nhàn nhã.
Đây là một trong những món ăn đặc trưng của văn hóa ẩm thực vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nó thể hiện rất rõ nét tính hoang dã và hào phóng của vùng đất mới. Không là kho, không là canh, nó nằm giữa hai món đó.
Món canh chua quá cầu kỳ đối với cuộc sống người lưu dân trong ngày mùa bận rộn. Món nấu mẳn, các loại cá trắng không phải đánh vảy, chỉ cần rửa sạch là được. Gia vị cũng đơn giản: muối ớt, hành lá, chanh hoặc giấm. Đơn giản, nhưng đáp ứng được các yêu cầu: ngon, đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Một rổ rau dại gồm ngọn cóc kèn, ngổ đồng, kèo nèo… Một chén nước mắm trong (không pha chế) dằm ớt. Khi mọi người đã tề tựu quanh mâm, người nội trợ mới bắt đầu múc món ăn chủ lực ra chiếc tô to và vắt vào mấy lát chanh. Nước đang trong veo bỗng chuyển sang mầu trắng sữa, rất đẹp. Những lá hành xanh mát. Vài mảnh ớt đỏ nhởn nhơ. Và ngay lúc ta đang ngắm thì một mùi thơm của sự hòa hợp dậy lên nồng nàn, vị ngọt của thịt cá lẫn trong hơi muối đậm đà và hương chanh thoang thoảng làm dịu hẳn không gian buổi trưa hè oi bức.
Nấu mẳn giờ đã khác xưa nhiều lắm. Cá thác lác nay không để nguyên con mà đã bào thịt nhuyễn, vo viên. Cá cơm đôi khi cũng bằm, giã, vo viên. Đĩa rau sống đã nâng cao và định hình: cây chuối non và bắp chuối xắt ghém, giá sống và các loại rau thơm như húng lủi, húng cây, quế. Vẫn là chén nước mắm trong ngày xưa, nhưng ớt thì xắt nhỏ.
Nấu mẳn không chỉ thích hợp với mùa nóng bức, với người lao động cật lực, mà nó cũng rất ăn ý với tiết trời trở gió heo may và những chủ nhân đang nhàn nhã.
Leave a Reply